Mt. Gox – “Nốt trầm” lớn nhất lịch sử thị trường tiền mã hóa

[ad_1]

Sự sụp đổ của Mt. Gox, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất một thời, là một trong những sự kiện gây chấn động nhất trong lịch sử phát triển của thị trường tiền mã hóa. Nó không những khiến cho nhiều nhà đầu tư lúc bấy giờ điêu đứng mà còn làm cho nhiều quốc gia phải áp dụng chính sách siết chặt quản lý đối với thị trường còn non trẻ này. Vậy hành trình phát triển và sụp đổ của Mt. Gox diễn ra như thế nào? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Mt. Gox là gì? Tìm hiểu về “nốt trầm” lớn nhất lịch sử thị trường tiền mã hóa

Mt. Gox là gì?

Mt. Gox là một sàn giao dịch tiền mã hóa đã phá sản vào năm 2014 có trụ sở tại Shibuya, Tokyo, Nhật Bản. Đây đã từng là sàn giao dịch lớn nhất thế giới, xử lý tới hơn 70% tổng lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, sàn này đã phải tuyên bố phá sản do gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật và quản lý.

Mt. Gox là gì?

Sự sụp đổ của Mt. Gox được cho là vết nhơ lớn nhất trong lịch sử của thị trường tiền mã hóa khi nó không những đem lại thiệt hại và hệ lụy nghiêm trọng nhiều nhà đầu tư mà còn khiến cho phần đông dư luận quay lưng với việc đầu tư vào Bitcoin. 

Có thể bạn quan tâm:

Lịch sử phát triển của Mt. Gox

Người cha đẻ

Vào cuối năm 2006, Jed McCaleb, một lập trình viên người Mỹ, đã xây dựng một trang web cho phép người dùng của tựa game Magic: The Gathering Online có thể giao dịch các lá bài tương tự như việc mua bán cổ phiếu. Đến tháng 1/2007, McCaleb đã mua tên miền “mtgox.com”, là viết tắt của “Magic: The Gathering Online eXchange”.

Chân dung Jed McCeleb thời trẻ

Trang web này được phát hành dưới dạng beta và hoạt động trong khoảng 3 tháng trước khi McCaleb quyết định chuyển sang các dự án khác vào cuối năm 2007 vì cho rằng nó không đáng để anh dành thời gian.

Vào năm 2009, McCaleb đã sử dụng lại tên miền mtgox.com cho mục đích quảng cáo cho một trò chơi thẻ bài do anh phát triển có tên là The Far Wilds. Tuy nhiên không lâu sau đó, vào tháng 7/2010, sau khi đọc về Bitcoin trên một trang tin tức xã hội có tên là Slashdot, chàng lập trình viên người Mỹ đã nảy ra ý tưởng phát triển một sàn giao dịch Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác cho cộng đồng. Và thế là vào ngày 18/07/2010, sàn giao dịch tiền mã hóa Mt. Gox chính thức được thành lập với tên miền là “mtgox.com”.

CEO mới người Pháp

Vào tháng 3/2011, Mt. Gox được Jed McCaleb bán lại cho một nhà phát triển người Pháp sống tại Nhật Bản có tên là Mark Karpeles.

McCaleb tuyên bố: “Để thực sự biến Mt. Gox thành thứ mà nó có tiềm năng trở thành sẽ cần nhiều thời gian hơn tôi có hiện tại. Vì vậy, tôi đã quyết định trao lại ngọn đuốc cho một người có khả năng đưa trang web lên một tầm cao mới hơn!”


Chân dung Mark Karpeles

Đúng như những gì McCaleb kỳ vọng, Mt. Gox dưới thời của Mark Karpeles đã nhanh chóng phát triển và trở nên cực thịnh. Vào năm 2013, Mt. Gox là sàn giao dịch lớn nhất lúc bấy giờ với hơn 70% khối lượng giao dịch Bitcoin đều được xử lý thông qua sàn này.

Thảm kịch nhen nhóm

Trái với vẻ ngoài hào nhoáng của mình, nội bộ của Mt. Gox lại tỏ ra yếu kém trong khâu bảo mật và quản lý dữ liệu người dùng. Cụ thể, vào ngày 13/06/2011, sàn giao dịch này báo cáo rằng đã có khoảng 25,000 BTC bị đánh cắp từ 478 tài khoản. 

Sau đó, vào ngày 17/06, cơ sở dữ liệu người dùng của Mt. Gox đã bị rò rỉ lên pastebin, được ký bởi “~cRazIeStinGeR~” và được liên kết với email là “auto36299386@hushmail.com”. Đến ngày 19/6, Mt. Gox bị tấn công, hacker thay đổi giá của BTC xuống mức 0.01 USD và đã “chốt đơn” hơn 2,000 Bitcoin với giá rẻ như rau. Đây được coi là vụ hack đầu tiên, mở màn cho tấm thảm kịch trải dài của Mt. Gox sau này. 

Năm 2013, Coinlab, một trong những đối tác kinh doanh trước đây của sàn, kiện Mt. Gox đòi lấy 75 triệu USD, cho rằng họ đã vi phạm hợp đồng. Giao kèo giữa hai bên thống nhất là Coinlab sẽ được quyền tiếp nhận các khách hàng là công dân Mỹ của Mt. Gox, tuy nhiên chuyện này đã không bao giờ diễn ra.

Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã ban hành lệnh tịch thu tiền từ tài khoản công ty con của Mt. Gox tại Hoa Kỳ với lý do công ty này hoạt động mà chưa được cấp phép. Sau quá trình điều tra, cơ quan này đã thu giữ hơn 5 triệu USD từ tài khoản công ty.

Tháng 02/2014 của Mt. Gox

Có thể nói, tháng 02/2014 là chính là khoảng thời gian tồi tệ nhất của Mt. Gox khi mà bi kịch liên tục ập đến sàn giao dịch này. 

Ngày 07/02/2014: Mt. Gox dừng mọi hoạt động rút Bitcoin với lý do “để có cái nhìn kỹ thuật rõ ràng về các quy trình tiền tệ”. Sau đó 3 ngày, sàn đã ban hành một thông cáo báo chí nêu rằng vấn đề này là do tính dễ thay đổi của giao dịch:

“Một lỗi trong phần mềm Bitcoin giúp người ta có thể sử dụng mạng lưới để thay đổi chi tiết thương vụ, từ đó biến một giao dịch gửi Bitcoin giữa các ví với nhau trở nên như chưa từng diễn ra”

Ngày 17/02/2014: Trong khi hoạt động rút tiền từ các sàn giao dịch khác vẫn diễn ra bình thường thì Mt. Gox đã công bố một thông cáo báo chí khác để trấn an người dùng, nói rằng sàn vẫn đang giải quyết các vấn đề bảo mật cùng các bước được nêu rõ. CEO Mark Karpeles đã từ chối bình luận về điều này trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal.

Ngày 20/02/2014: Trong khi mọi hoạt động rút tiền vẫn tiếp tục bị dừng lại, Mt. Gox đã đưa ra thông báo sẽ chuyển trụ sở đến một địa điểm khác ở Shibuya với lý do quan ngại về an ninh. 

Ngày 23/04/2014: Mark Karpeles từ chức khỏi Bitcoin Foundation. Cùng ngày hôm ấy, tất cả bài đăng của tổ chức này trên trang Twitter (X hiện tại) bị gỡ sạch.

Ngày 24/02/2014: Mọi hoạt động mua bán trao đổi đều bị đình trệ và website của sàn sập hoàn toàn. Một tài liệu nội bộ rò rỉ lên mạng cho hay công ty đã không còn khả năng thanh toán sau khi đã mất tổng cộng 744.408 Bitcoin trong một vụ trộm mà đã không bị phát hiện trong suốt nhiều năm.

Ngày 25/02/2014: Mt. Gox đã báo cáo trên trang web của mình rằng sẽ đóng tất cả các giao dịch trong thời điểm hiện tại. Mark Karpeles đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng Mt. Gox đang “ở một bước ngoặt”.

Phá sản và lao lý

Ngày 28/02/2014, Mt. Gox đã nộp đơn xin phá sản tại Tokyo theo một hình thức bảo vệ khỏi các chủ nợ được gọi là minji saisei (phục hồi dân sự) với khoản nợ phải trả vào khoảng 6,5 tỷ yên (65 triệu USD vào thời điểm đó). Sàn cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ vào ngày 09/03/2014. 

Mt. Gox cho biết rằng họ đã mất gần 750.000 bitcoin của khách hàng và khoảng 100.000 bitcoin của riêng họ. Con số này chiếm khoảng 7% tổng cung của Bitcoin và có giá trị khoảng 473 triệu USD vào thời điểm nộp đơn. Tổ chức này cũng không quên đổ lỗi cho tin tặc và nói rằng sẽ bắt đầu tìm kiếm số Bitcoin bị mất.

Khoảng 3 tuần sau, vào ngày 20/03/2014, Mt. Gox báo cáo đã tìm thấy 200.000 Bitcoin nằm trong 1 ví điện tử không còn được sử dụng từ tháng 06/2011. Điều này đã giảm số Bitcoin bị mất từ con số 850.000 xuống còn 650.000.

Tháng 08/2015, Mark Karpeles đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì tội gian lận, tham ô và thao túng hệ thống máy tính của Mt. Gox để tăng số dư trong một tài khoản. Sau khi thẩm vấn, các công tố viên đã cáo buộc Mark biển thủ 340 triệu yên Nhật dưới dạng Bitcoin tử các nhà đầu tư và đề xuất mức án 10 năm tù cho vị CEO này. Tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức từ tòa án trong thời gian này.

Karpeles được tại ngoại vào tháng 7 năm 2016 nhưng không được rời khỏi Nhật Bản. Trong suốt khoảng thời gian đó, vị cựu CEO Mt. Gox liên tục khẳng định mình vô tội và không liên quan gì đến vụ hack cũng như việc biển thủ tiền của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nạn nhân của Mt. Gox chỉ xem đây là những lời xảo trá của một kẻ tội đồ.

Karpeles gia nhập London Trust Media, công ty đứng sau Freenode và Private Internet Access, với tư cách là CTO vào tháng 04/2018.

Vào sáng ngày 19/03/2019, Tòa án quận Tokyo đã tuyên Karpeles 30 tháng tù treo vì tội thao túng dữ liệu. Tòa án cũng đã tuyên trắng án Karpeles về một số tội danh khác, bao gồm tham ô và tín thất, dựa trên niềm tin rằng Karpeles đã hành động mà không có ý định xấu.

Kẻ thủ ác thật sự

Vào ngày 27/07/2017, công ty chuyên bảo mật và an ninh Bitcoin Wizard Security (WizSec) đã đưa ra các khám phá chỉ ra rằng Alenxander Vinnik, chủ sở hữu người Nga của sàn giao dịch BTC-e mới là kẻ có liên quan trực tiếp vụ hack vào Mt. Gox, dẫn đến việc mất cắp lượng lớn Bitcoin. Vinnik đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xâm nhập của bọn hacker vào Mt. Gox, y là người đứng ra rửa hơn 300.000 Bitcoin trộm được từ file Wallet.dat.

Chính quyền Hy Lạp cũng cáo buộc Vinnik người đứng đầu mạng lưới rửa tiền thông qua Bitcoin trị giá hơn 4 tỷ USD vào thời điểm đó cho bọn tội phạm phân phối phần mềm ransomware và các tổ chức tin tặc. Vinnik đã bị bắt vào bị bắt vào ngày 25/07/2017 tại Ouranoupoli, Hy Lạp khi đang đi nghỉ dưỡng. 

Chân dung Alenxander Vinnik

Từ cuối tháng 07/2017 đến tháng 1/2020, Vinnik liên tục đối mặt với yêu cầu dẫn độ từ nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Nga và Pháp, với nhiều cáo buộc khác nhau, từ gian lận đến tấn công mạng. Sau khi bị dẫn độ sang Pháp vào năm 2020, Vinnik đã ra tòa tại Hoa Kỳ vào năm 2022 và sau đó nhận tội âm mưu rửa tiền vào năm 2024. 

Thêm vào đó, vào ngày 09/06/2023, 2 công dân người Nga là Alexey Bilyuchenko và Aleksandr Verner đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố với tội danh đánh cắp và rửa tiền, cụ thể ở đây là 647.000 Bitcoin từ vụ hack Mt. Gox. Một trong số chúng đã được dẫn độ về Mỹ

Sàn BTC-e cũng bị cáo buộc là phương thức chính mà tội phạm mạng trên toàn thế giới sử dụng để chuyển, rửa tiền và lưu trữ số tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp. Sàn giao dịch này đã nhận tiền thu được từ tội phạm bao gồm xâm nhập máy tính, tấn công ransomware, đánh cắp danh tính, tham nhũng và các đường dây phân phối ma túy. Sàn này sau đó đã bị FBI đánh sập hoàn toàn và thu giữ tài sản.

Kế hoạch trả nợ

Vào tháng 03/2018, ông Nobuaki Kobayashi, người ủy thác của Mt. Gox cho biết đã bán đủ BTC để trang trải các yêu cầu của chủ nợ, chủ yếu đến từ việc bán Bitcoin và Bitcoin Cash. 

Ngày 15/01/2021, công ty CoinLab đạt thỏa thuận với Nobuaki Kobayashi để trả lại tiền cho người dùng.

Ngày 20/10/2021, tại một cuộc họp của các chủ nợ, Kế hoạch Phục hồi dân sự đã được 99% các chủ nợ chấp nhận và đã chính thức phê duyệt vào ngày 16 tháng 11 năm 2021. Mặc dù vậy, vẫn chưa có quyết định chính thức về thời gian, quy trình và phương thức nhận bồi thường cho các nạn nhân. 

Ngày 28/03/2022, cựu CEO Mark Karpeles thông báo sẽ tổ chức airdrop 1.066.097 NFT trên mạng Polygon cho những ai từng mở tài khoản trên Mt. Gox. Mỗi NFT sẽ hiển thị số dư của tài khoản tương ứng vào thời điểm thống kê cuối cùng.

Ngày 07/10/2022, uy thác viên được tòa án Nhật Bản chỉ định cho biết chủ nợ của sàn Mt. Gox đã có thể đăng ký trên Hệ thống Hồ sơ Bồi thường MTGOX Online để nhận lại tiền với hạn chót là vào ngày 10/01/2023, sau đó được dời sang 10/03/2023. Khi đến kỳ hạn này, sàn đã “quay xe” dời lịch đến ngày 06/04/2023.

Ngày 07/04/2023, Mt. Gox thông báo rằng thời hạn cho các chủ nợ cung cấp thông tin đã hoàn tất, sàn sẽ bắt đầu quá trình thanh toán đợt đầu tiên với thời hạn buộc phải trả nợ là ngày 31/10/2023. Tuy nhiên, khi đến gần khoảng thời gian này, Mt. Gox đã tiếp tục “quay xe”, thông báo sẽ dời thời hạn trả tiền đến tháng 10/2024. 

Ngày 24/06/2024, Bloomberg cho biết Mt. Gox sắp sửa trả nợ vào đầu tháng 7, bao gồm 142.000 Bitcoin và 143.000 Bitcoin Cash, cũng như tiền pháp định với tổng trị giá 69 tỷ yên Nhật (510 triệu USD).

Ngày 05/07/2024, Mt. Gox chính thức thông báo hoàn trả Bitcoin và Bitcoin Cash cho người dùng, kết thúc hành trình 10 năm dài đằng đẵng của nhà đầu tư và người trong cuộc. Sàn sẽ gửi qua tài khoản của người dùng trên các sàn giao dịch đã được chọn lọc trước, họ có thể bán ngay trên sàn nếu muốn.

Hệ lụy mà Mt. Gox gây ra cho thị trường tiền mã hóa

Sự sụp đổ của sàn giao dịch Mt. Gox là một sự kiện gây chấn động lớn đối với thị trường tiền mã hóa, để lại nhiều hệ lụy nặng nề: 

  • Gây mất niềm tin của công chúng: Vụ việc Mt. Gox đã hủy hoại hình ảnh của Bitcoin và thị trường tiền mã hóa trong mắt công chúng. Sự kiện này khiến nhiều người e ngại và nghi ngờ về tính bảo mật, minh bạch của loại hình tài sản kỹ thuật số này.
  • Gia tăng quản lý và khó khăn cho các công ty: Vụ sụp đổ của Mt. Gox khiến giới chức Nhật Bản siết chặt quản lý thị trường tiền mã hóa trong một thời gian. Điều này cũng dẫn đến việc gia tăng áp lực pháp lý và khó khăn cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, khiến việc phát triển và mở rộng thị trường gặp nhiều trở ngại.
  • Tác động tiêu cực đến giá Bitcoin: Vào thời điểm đó, Mt. Gox là sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới, chiếm hơn 2/3 tổng khối lượng giao dịch. Do đó, sự sụp đổ của nó đã gây ra tác động tiêu cực đến giá Bitcoin, khiến thị trường lao dốc. Không những thế, mỗi khi đứng trước các thông tin liên quan đến việc trả nợ của sàn giao dịch này, giá Bitcoin hầu hết luôn phải ứng tiêu cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những hệ lụy tiêu cực, vụ việc Mt. Gox cũng mang đến một số tác động tích cực:

  • Nâng cao nhận thức về an toàn bảo mật: Sự kiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo mật tài sản kỹ thuật số và lựa chọn các phương thức lưu trữ an toàn hơn.
  • Thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp lưu trữ phi tập trung: Sau sự kiện Mt. Gox, nhiều người dùng đã chuyển sang sử dụng các giải pháp lưu trữ phi tập trung như ví lạnh để tự quản lý tài sản của mình, giảm thiểu rủi ro từ các bên thứ ba.

Tổng kết

Sự sụp đổ của Mt. Gox là một sự kiện đáng quên trong lịch sử thị trường tiền mã hóa. Nó để lại nhiều bài học đắt giá về rủi ro bảo mật, quản lý tài sản và tầm quan trọng của việc tự bảo vệ bản thân trong thị trường tiền mã hóa đang còn non trẻ này. Thông qua bài viết trên, Coin68 hy vọng bạn đọc đã hiểu thêm về sàn Mt. Gox và có được nhiều bài học cho riêng mình. Chúc bạn đầu tư thành công.

[ad_2]

Source link

Comments (No)

Leave a Reply